Hỗ trợ online

Diễn đàn doanh nhân

Động lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

11:26 03/01/2020

Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, các đại biểu Quốc hội đã có được sự đồng thuận rất cao. Đó là sự cần thiết phải ban hành và ban hành ngay luật này. Các chính sách hỗ trợ cả về thuế, mặt bằng, mở rộng thị trường… chính là cú hích để tạo động lực cho sự phát triển của cộng đồng DNNVV Việt Nam.

“Dự thảo Luật được thiết kế dựa trên nhu cầu của các DNNVV, chứ không phải là có gì thì hỗ trợ nấy. Chúng tôi đã khảo sát tất cả nhu cầu của các doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế hiện nay để khái quát hóa và đưa vào thành 7 nội dung hỗ trợ chung và 3 nội dung hỗ trợ có mục tiêu trong Dự thảo Luật”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại phần giải trình trước Quốc hội.

 

Cũng theo Bộ trưởng, Dự thảo Luật chính là sự “chuyển hóa” tinh thần xây dựng một nhà nước kiến tạo, tức là đã chuyển doanh nghiệp từ đối tượng quản lý thành đối tượng phục vụ, để đồng hành cùng phát triển. Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh khu vực tư nhân đã được xác định là động lực cho sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước.

Tất nhiên, dù đồng thuận, song vẫn còn không ít băn khoăn từ các đại biểu Quốc hội về tiêu chí xác định thế nào là DNNVV, tại sao các quy định hỗ trợ trong Dự thảo Luật còn chưa cụ thể.

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Hỗ trợ DNNVV được thiết kế theo luật khung. Nếu là luật khung thì tùy thuộc vào tình hình thực tế, mục tiêu hỗ trợ trong từng thời kỳ và nguồn lực của ngân sách nhà nước. “Như vậy, Chính phủ sẽ linh hoạt hơn trong thực hiện hỗ trợ các DNNVV, tùy từng thời kỳ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngoài các quy định chung, Dự thảo Luật còn 7 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, như về tiêu chí xác định DNNVV thuộc diện được hưởng hỗ trợ, 3 nội dung quy định về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của 3 quỹ…

Trước đó, khi đọc báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật, ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, không quốc gia nào có luật quy định chi tiết toàn bộ nội dung cụ thể về hỗ trợ DNNVV. So với Dự thảo Luật đã trình Quốc hội, Dự thảo Luật lần này đã tiếp thu bỏ các quy định liên quan có thể dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo hoặc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân...

Trong khi đó, liên quan các quy định về tiêu chí xác định, phân loại DNNVV, ông Thanh cho biết, nhiều quan điểm cho rằng, nên bổ sung tiêu chí doanh thu, cân nhắc doanh thu từ 200 - 300 tỷ đồng, giảm quy mô số lao động từ 300 người xuống 200 người, thay tiêu chí số lao động bình quân bằng tiêu chí số lao động tham gia bảo hiểm xã hội và nên chọn 2 trong 3 tiêu chí…

Cân nhắc các ý kiến góp ý đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ bảng xác định, phân loại DNNVV; bổ sung tiêu chí doanh thu và áp dụng đồng thời tiêu chí về lao động và tiêu chí về tài chính (doanh thu hoặc tổng nguồn vốn); chỉnh sửa theo hướng quy định tiêu chí trần để xác định DNNVV.

Dự thảo Luật được thiết kế dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không phải là có gì thì hỗ trợ nấy.
Còn đối với các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV, cũng không ít đại biểu băn khoăn rằng, chỉ nên hỗ trợ trọng tâm, chứ không hỗ trợ thuế cho toàn bộ DNNVV, tránh làm giảm mạnh nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo lý giải của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật quy định DNNVV được hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, như vậy chỉ các doanh nghiệp có lợi nhuận mới được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này. Theo số liệu thống kê thực tế thì không phải toàn bộ DNNVV, mà chỉ khoảng 50% được hưởng chính sách này.

Cụ thể, theo thống kê, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động và làm ăn có lãi chiếm 49,4% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, ước tính có khoảng 301.300 doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp ngay từ các quy định này. Ước tính sơ bộ, dựa trên giả định về mức giảm đối với với doanh nghiệp vừa là 1%, doanh nghiệp nhỏ là 2% và doanh nghiệp siêu nhỏ là 3%, so với mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp hiện hành, thì dự kiến ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 1.920 tỷ đồng. Con số này là không quá lớn như lo ngại của các đại biểu Quốc hội. Ngược lại, đây chính là cách để nuôi dưỡng nguồn thu.

Cộng thêm sự “tiếp sức” từ các chính sách hỗ trợ, các nhà làm luật đang kỳ vọng, một khi được thông qua, Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ tạo động lực cho sự phát triển của khu vực tư nhân Việt Nam.

Ý KIẾN – NHẬN ĐỊNH

Tạo điều kiện cho DNNVV tham gia chuỗi cung ứng mua sắm công 

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM)

Để tạo điều kiện cho các DNNVV phát triển tốt hơn, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thì sự tham gia vào các chuỗi, cụm liên kết là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc này đang gặp nhiều khó khăn do nguồn lực rất hạn chế. Theo đó, trong việc mua sắm công, cần sử dụng những gói thầu có quy mô phù hợp với khả năng đáp ứng của DNNVV, thông qua hình thức đấu thầu công khai để tạo điều kiện cho DNNVV tham gia chuỗi cung ứng mua sắm công để phát triển.

Hỗ trợ DNNVV cần có các giải pháp đồng bộ

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)

Việc hỗ trợ các DNNVV là rất cần thiết đối với Việt Nam. Các văn bản pháp lý hiện nay về hỗ trợ DNNVV đều là văn bản dưới luật, không đủ cơ sở để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp một cách đồng bộ, có hiệu quả. Việc hỗ trợ DNNVV cần có các giải pháp đồng bộ đối với tất cả những nội dung cần thiết để đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động công bằng, có hiệu quả, làm nền tảng cho sự phát triển đất nước. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội sớm thông qua dự thảo luật này.

Việc hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng)

Việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, Dự thảo mới quy định mang tính nguyên tắc chung, khung chính sách chung mà Nhà nước sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, chưa quy định cụ thể những nội dung doanh nghiệp được hỗ trợ như thế nào. Vấn đề này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình theo hướng nội dung của Luật mang tính khung chính sách và để triển khai thực hiện, sẽ dần tiếp tục quy định cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn thi hành. Việc ban hành luật này trong thời điểm này đã là muộn so với yêu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị Quốc hội xem xét những nội dung nào có thể quy định được thì nên có quy định cụ thể để có thể sớm được áp dụng khi Luật được ban hành.

Dự thảo có nhiều nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp, tuy nhiên việc hỗ trợ doanh nghiệp cần xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, chứ không phải xuất phát từ khả năng Nhà nước có thể hỗ trợ được những gì. Nếu hỗ trợ quá nhiều chính sách trong khi nguồn lực không đủ sẽ dẫn đến các chính sách dàn trải không có trọng tâm, trọng điểm và không có hiệu quả.

Không nên hỗ trợ tất cả doanh nghiệp đạt tiêu chí DNNVV

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang)

Hỗ trợ DNNVV có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cả nước có khoảng 612.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó DNNVV chiếm 97 - 98%. Trong số các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện, tiêu chí DNNVV đang còn nhiều đơn vị sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất - kinh doanh kém hiệu quả kéo dài, không có khả năng phục hồi. Do đó, không nên hỗ trợ tất cả doanh nghiệp đạt tiêu chí DNNVV, mà nên loại trừ các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh liên tục thua lỗ và không có khả năng phục hồi.

Tạo động lực, cũng như áp lực để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội)

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế vừa nhận định một thực trạng đáng lo ngại. Đó là hiện nay, mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ (chiếm 95 - 96%). Quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần và thiếu các doanh nghiệp lớn làm trụ cột. Hoạt động của các doanh nghiệp này thiếu tính cạnh tranh, thiếu liên kết và tinh thần đổi mới sáng tạo không cao.

Những thông tin như trên cho thấy, quy mô cũng như năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng, việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV lần này phải tạo động lực, cũng như áp lực để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Phải thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chủ động vươn lên trở thành những doanh nghiệp lớn, những tập đoàn kinh tế có sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Hội Doanh Nhân Trẻ Nghệ An - Nghe An Young Entrepreneurs' Association

Địa chỉ: Tầng 3 Toà nhà VCCI Số 1 - Đường V.I Lê Nin - TP Vinh - Nghệ An

Hotline: 091.3333.681

Email: hoidoanhnhantrenghean@gmail.com